Nguyên nhân gây ra chóng mặt ở phụ nữ tiền mãn kinh và cách phòng ngừa

31/05/2021

Bước vào tuổi tiền mãn kinh chị em không chỉ phải chịu đựng những cơn bốc hỏa mà còn đối diện với tình trạng chóng mặt đến bất chợt. Vậy nguyên nhân nào gây chóng mặt ở phụ nữ tiền mãn kinh và cách phòng ngừa ra sao?

Nguyên nhân gây chóng mặt ở giai đoạn tiền mãn kinh

Mất quân bình về nội tiết tố: Nguyên nhân chủ yếu gây chóng mặt ở giai đoạn tiền mãn kinh là sự mất quân bình về nội tiết tố. Từ 40 tuổi trở đi, buồng trứng bắt đầu suy giảm chức năng, giảm sản sinh nội tiết tố Estrogen, làm rối loạn nội tiết tố và kéo theo nhiều rối loạn khác trong cơ thể. Nồng độ nội tiết tố nữ có ảnh hưởng đến hoạt động của tai trong – một bộ phận quan trọng đối với chức năng duy trì sự cân bằng của cơ thể.

Ngoài ra, nội tiết tố nữ còn ảnh hưởng đến sự cân bằng của thần kinh – thể dịch của tuần hoàn cơ thể. Do đó, sự mất quân bình của nội tiết tố gây ảnh hưởng đến khả năng ổn định tiền đình của cơ thể, gây ra những cơn chóng mặt, mất thăng bằng.

image003 (5)

Suy giảm Estrogen gây ra những cơn chóng mặt, mất thăng bằng

Rối loạn giấc ngủ kéo dài: Phụ nữ tiền mãn kinh hay gặp cơn bốc hỏa, mất ngủ, ngủ không sâu do suy giảm nội tiết. Bên cạnh đó, áp lực công việc, áp lực gia đình (mối quan hệ vợ chồng, gánh nặng con cái, gánh nặng lệ thuộc của người lớn tuổi), căng thẳng lo âu trước những biến đổi của cơ thể theo chiều hướng đi xuống, tất cả làm cho phụ nữ giai đoạn này hay gặp rối loạn giấc ngủ kéo dài.

Tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài là nguyên nhân thường gặp gây khởi phát cơn chóng mặt tư thế lành tính vào buổi sáng ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, thần kinh, làm nặng thêm tình trạng rối loạn tiền đình.

Thoái hóa cột sống cổ: Phụ nữ tiền mãn kinh dễ tăng cân, béo phì, thoái hóa xương khớp – dây chằng – đĩa đệm cột sống. Trong đó, thoái hóa đốt sống cổ ở mức độ nặng dẫn đến chèn ép mạch máu và rễ thần kinh, khiến tai trong không được cung cấp đủ lượng máu, gây nên tình trạng rối loạn tiền đình.

Thoái hóa tai trong: Tình trạng thoái hóa tai trong tạo ra các sỏi kênh thính giác, những mảnh bềnh bồng trong lớp nội dịch này kích thích ống bán khuyên gây nên cơn chóng mặt tư thế lành tính.

Migraine: Migraine là bệnh đau nửa đầu. Thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể khởi kích cơn đau nửa đầu. Mặc dù tên bệnh là “đau nửa đầu”, nhưng có đến 30-50% người bị đau đầu migraine có thêm triệu chứng hoa mắt hay chóng mặt liên quan đến migraine.

Mối liên hệ giữa Migraine và chóng mặt được thể hiện qua thuật ngữ “Migraine tiền đình”. Đây là một bệnh lý đau đầu có thể kèm chóng mặt hoặc các triệu chứng thần kinh khác, có thể liên quan đến kinh nguyệt, do rối loạn vận mạch – thần kinh và hầu như lành tính.

Tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý thần kinh, tim mạch: Bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, cơ thể bắt đầu “xuống dốc”, nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh, tim mạch (tăng huyết áp, xơ vữa mạnh máu), đái tháo đường tăng lên. Cho nên, triệu chứng chóng mặt ở giai đoạn này có thể do những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm như bệnh lý mạch máu não.

Thiếu máu não là nguyên nhân gây chóng mặt được nhiều người quan tâm vì đây là bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm. Thiếu máu não biểu hiện dưới hai hình thức: cơn thoáng thiếu máu não hoặc đột quỵ thiếu máu não. Khi đó, người bệnh có thể có triệu chứng chóng mặt thật sự hoặc chỉ có cảm giác lâng lâng, không vững hoặc ngất.

Các triệu chứng đó có thể tạm thời hoặc không thoái lui. Nếu triệu chứng chỉ tạm thời, đó là biểu hiện của cơn thoáng thiếu máu não. Nếu triệu chứng kéo dài không thoái lui trên 24 giờ, có thể là đột quỵ thiếu máu não. Khi đó, ngoài triệu chứng chóng mặt, người bệnh có thể có các triệu chứng khác như nhìn đôi, tê yếu nửa thân, méo miệng, nói đớ…

Phương pháp phòng ngừa và điều trị

– Uống đủ nước mỗi ngày. Bổ sung thêm nước nếu bị khát, cảm giác đầu nhẹ bồng bềnh, vận động nhiều hay trời nóng.

– Chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng, giàu vitamin và khoáng chất

– Hạn chế các loại thức ăn đồ uống quá ngọt hay mặn, hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ vì sẽ làm tăng cholesterol máu, gây xơ vữa mạch máu

– Tránh uống cà phê hay thức uống có cồn (bia, rượu)

– Có chế độ làm việc nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đủ giấc, đặc biệt là giấc ngủ đêm. Khám thần kinh nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ nặng không thể tự điều chỉnh.

– Giảm tối đa căng thẳng thần kinh liên tục kéo dài, suy nghĩ lạc quan; tránh nóng giận, lo âu, phiền muộn

– Không hút thuốc lá và tránh xa tiếp xúc với khói thuốc lá

– Vận động cơ thể, luyện tập thể thao

– Kiểm soát huyết áp, thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi năm từ 40 tuổi trở lên

– Tránh thay đổi tư thế đột ngột. Đặc biệt với những người có cơn chóng mặt tư thế lành tính thường xuyên xuất hiện, khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, đứng dậy hay xoay đầu, cúi và ngửa đầu cũng phải thực hiện từ tốn, chậm rãi, có thể nhắm mắt lại để hạn chế thị giác thu nhận những tín hiệu thay đổi không gian, giảm kích thích tiền đình. Sau khi xác lập tư thế tại vị trí mới thì từ từ mở mắt ra.

– Tập các bài tập ổn định tiền đình