Dược thiện hỗ trợ trị cúm A, ai cũng có thể làm được

31/08/2023

Cúm A là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do nhiễm virus Influenza type A và có thể gây những biến chứng nặng nề, đặc biệt với người có hệ miễn dịch yếu.

Những món ăn sau đây được chế biến từ những dược liệu dễ kiếm có tác dụng tăng đề kháng, hỗ trợ điều trị cúm A.

1. Canh dâu tằm

– Nguyên liệu chính: Lá dâu tằm, thịt bò, thịt heo hoặc tôm.

– Cách chế biến: Lá để nấu canh phải là những đọt non, không bị sâu phá. Khi hái về, lá được vò sơ qua để khi chín sẽ mềm, bùi hơn và tăng thêm hương vị, sau đó mang rửa sạch rồi thái vừa ăn. Sau đó đem nấu với thịt bò, thịt heo hoặc tôm, nêm thêm một ít dầu ăn, hạt nêm để có một bát canh dâu tằm ngọt mát.

– Công dụng: Lá dâu tằm có tác dụng giải cảm nhiệt, trị sốt cao, miệng khát, đau đầu, ho khan.

2. Cháo sắn dây gạo tẻ

– Nguyên liệu chính: Bột sắn dây 30g và gạo tẻ 50g.

– Cách chế biến: Gạo ngâm nước 1 đêm, đem nấu cháo cùng với bột sắn, thêm chút muối hay đường để ăn.

– Công dụng: Bột sắn dây có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, đau đầu, miệng khát nấu cùng với gạo giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện triệu chứng.

3. Cháo thịt lợn lá cúc tần

– Nguyên liệu chính: Lá cúc tần (loại già), gạo, thịt heo nạc băm nhuyễn, gừng tươi.

– Cách chế biến: Lá cúc tần rửa sạch, băm nhỏ. Tất cả cho vào nồi nấu thành cháo để nhỏ lửa cho cháo nhừ rồi nêm gia vị là bạn có thể dùng ngay (nên dùng khi cháo còn nóng).

– Công dụng: Lá cúc tần với thành phần chủ yếu là tinh dầu, có tác dụng phát tán phong nhiệt, trị cảm sốt, làm ra mồ hôi. Cháo dễ ăn và dễ tiêu hóa, cung cấp dinh dưỡng rất tốt. Món ăn rất phù hợp cho người bệnh giai đoạn hồi phục, cơ thể mệt mỏi, biếng ăn.